Nếu có thêm những nghệ sĩ như Hoài Lâm, thanh niên sẽ không thờ ơ với nghệ thuật truyền thống
“Hiện tượng” Hoài Lâm trong “Gương mặt thân quen” vừa gây “sốt” cho thấy rõ hai điều, một là khán giả trẻ không quay lưng với nghệ thuật truyền thống và hai là nghệ thuật truyền thống không hề khô cứng hay khó tiếp cận. Đồng thời đặt ra vấn đề “Làm thế nào để khán giả trẻ có thể tiếp nhận nghệ thuật truyền thống?”.
Độc đáo vẫn bị lãng quên
Việc hóa thân thành cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, từng được ví như di sản sống của hát xẩm đã giúp cái tên Hoài Lâm “hót hòn họt” suốt cả một tuần. Có rất nhiều những ý kiến khen và cho rằng Hoài Lâm đã làm được một điều tốt cho xẩm, bởi thông qua đó nhiều bạn trẻ không hề biết đến hát xẩm và nghệ nhân Hà Thị Cầu sau đó cũng đã biết đến và tìm nghe trên các trang mạng xã hội.
Nhưng mặt khác, tôi rất tâm đắc với câu nhận xét của một Facebooker rằng, không phải xẩm cảm ơn Hoài Lâm mà ngược lại, Hoài Lâm phải cảm ơn xẩm, vì nhờ xẩm mà thế giới showbiz Việt ghi danh thêm một cái tên. Rõ ràng trước đó, cũng trong chương trình truyền hình thực tế “Gương mặt thân quen” (GMTQ), Hoài Lâm đã tạo được những cảm tình nhất định song chưa đủ để bật hẳn lên như kể từ khi gặp xẩm.
Hoài Lâm đã lấy được nhiều thiện ảm nhờ màn hóa thân thành cố nghệ nhân Hà Thị Cầu
Thừa thắng xông lên, trong đêm chung kết GMTQ, Hoài Lâm lại hóa thân vào 2 nhân vật huyền thoại của nghệ thuật cải lương Việt Nam: NSƯT Thanh Nga và NSƯT Thanh Sang. Rõ ràng, cải lương là sở trường của anh chàng nghệ sĩ xuất thân từ một gia đình có gánh hát cải lương ở miền Tây. Cùng với thiện cảm đã có từ trước, với sự diễn xuất tự tin của “con nhà nòi” kết hợp với bàn tay đạo diễn của cha nuôi Hoài Linh và khả năng hóa thân tài tình của chính mình, Hoài Lâm bứt phá một cách ngoạn mục và giành chiến thắng ở GMTQ.
Lấy 2 tiết mục của Hoài Lâm soi rọi vào cổ nhạc dân tộc, rất nhiều khán giả đã không khỏi ngỡ ngàng bởi sự thú vị hết sức độc đáo ẩn chứa trong nghệ thuật truyền thống. Vậy mà dường như nó đã bị lãng quên trong đời sống xã hội hiện đại với bao nhiêu những lo toan, xô bồ của cuộc sống cùng dòng chảy ào ạt của thứ nghệ thuật, âm nhạc ngoại quốc vào đời sống tinh thần người Việt.
Cả ban giám khảo lẫn khán giả có mặt ở trường quay và trước màn hình tivi đã không khỏi ngạc nhiên trước sự hóm hỉnh đến từng chi tiết của hát xẩm. Chi tiết đấy, có sự nhân hóa đấy nhưng vẫn hết sức gần gũi, trong khi nó lại truyền tải những thông điệp đầy chất nhân văn về sự yêu thương của mẹ cha với con cái, về sự hiếu thảo, biết ơn của những người con đối với đấng sinh thành.
Khán giả cũng không khỏi ngỡ ngàng trước một nghệ thuật sân khấu mà cá nhân tôi cho rằng đó là sự sáng tạo vĩ đại của Việt Nam trong sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống với kịch nói châu Âu cách đây trên dưới 100 năm để rồi trở thành một loại hình nhạc kịch dân tộc vô cùng quý báu.
Hoài Lâm trong trích đoạn "Tiếng trống Mê Linh"
Nghệ thuật ấy, trong sự lung linh rực rỡ của những áo quần, phông bạt cảnh trí còn là những tiếng nói, lời ca tha thiết về tình yêu quê hương, đất nước, đôi lứa. Nghệ thuật truyền thống hay tới mức nó dễ chạm được tới trái tim người xem, khiến người ta có thể rớt nước mắt. Vì nghệ thuật ấy đã trở thành chiếc chìa khóa mở vào ký ức người nghe những rung động và tình cảm được biệt mà có thể bấy lâu nay người ta đôi khi không nhớ tới.
Tại sao bị lãng quên?
Âm nhạc truyền thống thú vị làm vậy nhưng sao vẫn bị lãng quên trong đời sống hiện đại? Khách quan mà nói, nguyên nhân đầu tiên là nghệ thuật này không có cơ hội đến được với đông đảo công chúng do không có sự đầu tư. Ở nhiều nước phát triển, khi văn hóa luôn được coi trọng thì người ta luôn trích từ ngân sách hoặc các tổ chức xã hội một phần kinh phí dành cho việc truyền bá nghệ thuật truyền thống tới công chúng, đặc biệt là giới trẻ học đường. Việc này góp phần hình thành nhân cách con người, giúp con người khi trưởng thành và bước ra biển lớn vẫn có thể nhận diện được mình là ai, để rồi từ đó thêm phần kết nối cũng như trách nhiệm với nguồn gốc tổ tiên.
Một nguyên nhân khác, đến từ chính giới hoạt động nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp đó là chương trình dù có thể đạt chất lượng nghệ thuật cao nhưng lại thiếu yếu tố thời đại. Ở đây, thời đại không có nghĩa là cổ súy cho sự phá cách mà là cách tiếp cận khán giả. Chúng ta không thể mang những đề tài thật lớn lao, những vở kịch hát đồ sộ với triết lý sâu sắc, những trích đoạn kịch hát dân tộc với sự châm biếm phê phán xã hội xưa… đến với giới trẻ. Nhất thiết phải nghĩ sao để những chương trình mang yếu tố giải trí cao, phù hợp với từng đối tượng và lứa tuổi của khán giả.
Nhà nghiên cứu âm nhạc, nhạc sỹ Nguyễn Quang Long
Còn nguyên nhân khác nữa theo tôi rất quan trọng, trong khi truyền hình hiện nay đang bội thực các chương trình thực tế (THTT) về thi thố ca nhạc hay các bộ môn nghệ thuật khác thì đối với nghệ thuật truyền thống vẫn là con số không. Phải tạo những sân chơi hấp dẫn, đề cao tính tương tác thí sinh – giám khảo - khán giả như những chương trình THTT trong thời gian gần đây thì đồ rằng, cho dù không thu hút được nhiều lượng khán giả như những chương trình giải trí khác thì chương trình về nghệ thuật truyền thống cũng sẽ gây được sự chú ý và tạo được một lượng khán giả lớn hơn rất nhiều so với khán giả của nghệ thuật này hiện nay.
Các cụ xưa đúc kết: “Thầy đàn già con hát trẻ”. Cần tạo điều kiện cho các diễn viên trẻ - đẹp có đất diễn, đặc biệt là khi diễn cho chính giới trẻ. Sự việc các diễn viên gạo cội vẫn thường xuyên xuất hiện trong các vở đinh hay trong các hội diễn chính là một trong những nguyên nhân khiến cho nghệ thuật truyền thống nói chung, các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp nói riêng ngày càng xa rời hoặc không thu hút được sự quan tâm từ công chúng, nhất là lớp trẻ. Nhất thiết phải nhường chỗ cho các nghệ sĩ trẻ, dù phần trình diễn của họ có thể chưa thực sự “nhuyễn” nhưng lại tạo được đồng cảm từ chính khán giả cùng trang lứa.
Ta không thể bắt các em tuổi teen xem một cô Thị Mầu tuổi cũng chừng 16-17 do một diễn viên gần 40 tuổi đóng vì họ sẽ không nhìn thấy lứa tuổi của họ ở trong người diễn viên gạo cội kia và không tìm thấy mình ở trong đó. Nhưng giả sử nếu đó là một nghệ sĩ trẻ đang ở lứa tuổi trên dưới 20 thì khán giả trẻ sẽ tiếp nhận nó một cách tự nhiên hơn. Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa những nghệ sĩ gạo cội không còn vị trí trong việc truyền bá nghệ thuật truyền thống nhưng vai trò của họ phải ở mức cao hơn, truyền đạt cái tinh hoa dân tộc thông qua nghệ thuật tới những khán giả đã bước đầu tiếp cận nghệ thuật truyền thống thông qua lớp trẻ.
Bên cạnh lực lượng trẻ trực tiếp tham gia trong các ngành nghệ thuật truyền thống thì việc các nghệ sĩ nổi tiếng của các dòng nghệ thuật khác chẳng hạn như ca sĩ, diễn viên… hay các hot boy, hot girl như trường hợp Hoài Lâm tham gia truyền bá và phổ cập nghệ thuật truyền thống cũng là một cách hữu hiệu thu hút bước đầu sự quan tâm của khán giả đối với nghệ thuật này. Nói chung, nghệ thuật truyền thống Việt Nam hết sức phong phú và vô cùng hấp dẫn, vấn đề ở đây là chúng ta có biết cách khai thác nó hay không mà thôi. Và chừng nào chưa biết cách khai thác thì chừng ấy thế hệ của ta vẫn còn nợ cha ông một món nợ mang tính dân tộc.
Nhà nghiên cứu, nhạc sỹ Nguyễn Quang Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét