Credit to motthegioi.vn
Thật lòng tôi vẫn tâm niệm một điều như thế này với tổ nghiệp: Nếu tổ nghiệp có cho con mình một cái chỗ đứng trong nghệ thuật, tôi chỉ muốn bây giờ như thế nào thì sau này nó vẫn giữ tính tình như vậy.
Vụt sáng trở thành một hiện tượng mới trong showbiz Việt sau Gương mặt thân quen, “viên ngọc trời” Hoài Lâm hiện là cái tên rất hot và được săn đón nhiều nhất, không thua kém gì bố mình, danh hài Hoài Linh.
Nói về đứa con tài năng, bố Hoài Linh cũng đã có nhiều lời tâm sự gửi gắm đến cậu con trai cưng. Một Thế Giới đã có cuộc gặp gỡ và trò chuyện thân mật với danh hài về câu chuyện tình cha con của họ.
Là một người bố, cũng là giám khảo cuộc thi Gương mặt thân quen anh chứng kiến những nỗ lực của Hoài Lâm bứt phá để có được ngày hôm nay như thế nào?
Dĩ nhiên là tôi cũng theo dõi con mình. Lúc Lâm đi thi cái này thì tôi cũng nói rằng không nên áp lực. Con không được áp lực vì đây chỉ là một cuộc chơi của anh em nghệ sĩ, dù có được quán quân hay không thì điều đáng mừng là ít nhất Lâm cũng thể hiện được những tiết mục đem đến cho khán giả sự thích thú và bây giờ khán giả rất thương Lâm. Dĩ nhiên làm cha, làm thầy, ai cũng muốn cho con mình đạt cái này, cái kia chứ! Nhưng tôi không đặt tình cha con lên những cuộc thi mà phải công tâm.
Anh có sợ với sự nổi tiếng hiện tại con mình sẽ có nguy cơ thay đổi tính tình?
Nếu như muốn răn dạy con mình, tôi chỉ có một điều: “thương cho roi cho vọt”, không phải con như vậy rồi cứ nâng con lên mây, để rồi ra đời nó sẽ hư, chắc chắn sẽ hư. Cho nên tôi cứ giữ suy nghĩ như vậy, không phải thấy con giỏi rồi cứ tâng bốc, tôi không thích như thế. Bởi vì sau này ra đời không phải lúc nào mình cũng bên cạnh nó được. Nhưng có một điều mà thật sự tôi rất mừng là bây giờ Lâm đã có được một lượng fan hùng hậu.
Tôi vẫn hy vọng và tâm niệm một điều như thế này với tổ nghiệp: Nếu tổ nghiệp có cho nó một cái chỗ đứng trong nghệ thuật, tôi chỉ muốn bây giờ như thế nào thì sau này vẫn giữ tính tình như vậy. Để làm gì, không phải để lấy lòng khán giả mà cứ sống thật với bản chất của mình là hay nhất, đừng vì một chút công danh, một chút lợi lộc rồi không coi ai ra gì, điều đó tôi không muốn.
Một số nguồn thông tin cho biết, khi anh nhận được bản thu âm lúc Lâm tìm đến anh xin theo học nghề, anh có khen Lâm hát hay rồi sau đó không thấy liên lạc lại, điều này có chính xác?
Không! Nghe Lâm hát xong xuôi, tôi nghĩ ngay rằng: Thằng bé này có tố chất! Bởi vì không phải đơn giản mà tìm ra được giọng hát ngọt ngào khi cái tuổi còn nhỏ như vậy. Cái ngọt ngào của nó là cái ngọt ngào khó tìm, thiệt tình là như vậy. Một thời gian tôi không liên lạc là vì lúc đó Lâm còn quá nhỏ để mình có thể định hình và khai thác. Vì tôi không muốn khai thác để rồi nó “chết non”.
Sau một thời gian tôi nghĩ Lâm tới tuổi có thể đào tạo được rồi, có trí khôn rồi, tôi mới nhận. Khi tôi nhận con, bởi vì tôi theo hài, nên tôi mới gửi Lâm qua Đàm Vĩnh Hưng để cháu nó tập phát âm bằng cái giọng có chút Bắc, bởi vì lúc mới lên nó nói giọng miền Tây, chỉ có hát nhạc miền tây thì hát mới ra, còn trữ tình thì lại không ra. Sau đó, có một thời gian, tại vì tuổi nhỏ nó rất dễ nhiễm vào trong đầu những gì học được, tôi sợ nó hát cái giọng khào khào giống… Đàm Vĩnh Hưng, thiệt tình là vậy nên tôi mới rút nó về lại. Đó là thiệt tình.
Khoảng thời gian đó Lâm bao nhiêu tuổi và tiếp theo hoạt động như thế nào?
Lúc Lâm theo Đàm Vĩnh Hưng là năm 15-16 tuổi. Đến năm 17 thì tôi rút con về, lúc đó bắt đầu Lâm “trổ mã”, thanh quản bắt đầu bể giọng nên tôi cho ngưng. Đến 18 tuổi thì bắt đầu tôi cho con hát trở lại. Khoảng thời gian đó Lâm vẫn theo tôi hát, nhưng không dám cho hát nhiều, thành thử ra là mấy cái hài này nọ, tôi có cho con lên đóng cho vui vậy thôi, chung với Hữu Lộc với một vài nghệ sĩ khác.
Vì sao anh lại định hướng cho con mình dòng nhạc dân ca?
Đầu tiên hết là Lâm có tố chất hát nhạc dân ca trữ tình. Tôi định hướng cho Lâm hát nhạc trữ tình là trong khoảng thời gian Lâm còn nhỏ. Tôi biết chứ, tôi nhìn ánh mắt nó mỗi lần thấy mọi người hát nhạc trẻ này nọ nó thích lắm chứ, nhưng tôi sợ, tôi rất là sợ nó sẽ bị tiêm nhiễm những dòng nhạc khác, vì ham vui nó có thể chuyển sang những bài nhạc mà tào lao này nọ, tôi sợ cái đó lắm. Thành thử tôi cứ định hướng cho nó là: Con phải dân ca dân ca, dân ca, nhạc trữ tình, nhạc trữ tình …
Tới bây giờ vẫn dân ca luôn đúng không anh?
Không! (cười) Tôi cũng có nói với nó cách đây không lâu: “Bây giờ con lớn rồi, bố cho con định hình về dòng nhạc con yêu thích. Bố cho con được thỏa sức với đam mê của con, nhưng trong một điều kiện cho phép chứ không phải bài nào cũng hát, nhạc nào cũng hát. Nhưng làm gì thì làm, vẫn phải giữ giọng dân ca cho bố, bởi vì lúc nào đó con chựng lại, con lớn rồi, con phải trở về nhạc dân ca, bởi vì dòng nhạc này bố đã định hình ngay cho con từ đầu. Không phải bố khó khăn với con, không cho con nhảy nhót tung tăng này nọ, bởi vì khi bố nhìn ánh mắt của con, bố hiểu con muốn gì”.
Có một thời gian nó nhìn thấy nhóm nhảy, nhóm hát, lúc đó nhìn mặt nó tội lắm. Nhưng mà lúc đó con nó còn nhỏ quá, tôi sợ nó theo dòng nhạc thị trường này nọ thì mệt. Bây giờ 19 tuổi, Lâm có thể định hướng một chút xíu về tương lai, tôi cho nó tự do, nhưng “tự do trong pháp luật”, chứ không phải “anh muốn làm gì anh làm”. Có chuyện gì hay bài vở này nọ, phải hỏi ý kiến bố, bố nghe hợp tai thì làm, sôi động cũng được, truyền thống cũng được, lãng mạn cũng được. Bởi vì giờ 19 tuổi là tuổi cũng biết yêu này nọ rồi, lúc đó mình mới cho nó hát mấy bài nhạc: “Anh yêu em, em yêu anh”, ví dụ vậy. Chứ hồi xưa nó hát cái đó là… chết! Mà không lẽ 15, 16 tuổi đi hát… Con cò bé bé! Nó kỳ lắm! (cười lớn).
Lúc anh nhận nuôi Lâm, được biết là do chị Hương Lan giới thiệu nên mới nhận nuôi, lúc đó anh vì nể “má 2” hay là vì nhận thấy Lâm có tố chất thật sự?
Tôi nghĩ có gì đó nhầm lẫn ở đây! Sau khi dẫn Lâm đi hát, thấy con hát hay quá, tôi mới dẫn tới “má” Hương Lan, để chỉ, để bày cho nó luyến láy ngọt ngào. Bởi vì dòng nhạc quê hương không ai qua chị Hương Lan hết. Sau đó tôi mới định hình cho Lâm hát nhạc trữ tình, lúc đầu là dân ca thôi, sau mới trữ tình tại vì trữ tình nó không tới tuổi yêu đương thành ra nó không thể nào hát được mấy bài đó. Lúc đó tôi mới ngưng lại, mới gửi qua Đàm Vĩnh Hưng để nó học phát âm, sau thời gian học phát âm, tôi sợ Lâm hát giống vì nó giỏi bắt chước nên tôi mới… “kéo” về lại.
Trong những năm qua anh đã truyền dạy cho con những gì đặc biệt?
Thực sự ra khi đã coi nó là con thì cũng chỉ truyền cho nó những kinh nghiệm sống ở đời. Mình phải dạy nó từ nhỏ, phải chỉ cho nó cái này cái kia. Dĩ nhiên là con cái, nó còn nhỏ nữa, thế nào cũng có vấp ngã, có cái sai theo cái kiểu suy nghĩ của con nít. Mình cũng chỉ rèn nó vậy và nói nó phải ráng tập luyện. Những cái gì mà nó chưa được, nó hỏi tôi thì tôi chỉ.
Với những gì Lâm có hiện tại thì anh nghĩ Lâm đã thành công hay chưa?
Cái nghề này đừng nói tới chữ “thành công”. Nếu nói tới chữ “thành công” là đang tự mãn và không bao giờ thành công được. Trong cuộc sống không có gì nói trước được hết, có nhiều người rất hiền, nhưng mà bước ra xã hội đụng chuyện này chuyện kia, phải “nhe nanh giương vuốt” lên để tự vệ chứ. Con trăn nó hiền, mình có thể ôm nó trong lòng, nhưng mình không biết lúc nào nó siết mình chết hết. Nên tôi rất hy vọng Lâm dù thế nào thì “Lâm vẫn là Lâm của ngày hôm qua” của tôi, vẫn sẽ giữ được tính nết hiền lành như lúc mới vô nghề vậy.
Anh có định hướng cho Lâm lấn sân điện ảnh hay các hoạt động nghệ thuật khác không?
Nghệ thuật thì phải định hướng cho mình một cái chính. Tuy nhiên mình vẫn có những sân chơi khác nếu như mình có khả năng, đóng phim, đóng kịch chẳng hạn.
Trước khi đăng quang ngôi vị quán quân Gương mặt thân quen, có thông tin cho biết rằng: “Lâm sống tại quán bún mọc của Hoài Linh và đôi lúc khách vẫn bắt gặp Lâm phụ quán”. Nhiều người đặt ra nghi vấn: “Bố Hoài Linh giàu, sao để con Hoài Lâm phụ bàn?” Anh nghĩ sao về điều này?
Nó ở ngay chỗ đó thôi chứ nó bán hồi nào! Còn trên công việc, khi tôi tới quán, tôi vẫn bưng bún bình thường, giàu nghèo hay không vẫn phải làm mới có ăn. Nếu con tôi làm được điều đó, mọi người đáng lý phải khen mới đúng. Không cần biết tôi giàu nghèo như thế nào, nhưng mà không phải vì tôi giàu mà con tôi vác xe ra ngoài đường rồi đi ăn chơi, đi nhậu nhẹt…
Ông bà mình có cái câu hay lắm: “Con nhà giàu thì hay mần, con nhà bần hay ăn”. Những người nghèo họ cần công việc ăn nhiều hơn, con nhà giàu siêng làm hơn mới giàu được. Con mình làm được thì cứ khuyến khích con mình làm. Nghèo thì bao nhiêu gọi là nghèo mà giàu thì bao nhiêu gọi là giàu? Còn con mình mà nó cứ làm được kệ nó, đi học, đi làm về mà còn thời gian phụ bưng bún bưng đồ điều đó tốt chứ sao.
Credit: Bảo Nguyên
Ảnh: Sam
Ảnh: Sam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét